Để có thể trở thành cao thủ bida trước hết bạn cần phải biết sử dụng cơ bida một cách đúng cách. Bài viết sau sẽ giúp bạn điều đó.
Giới thiệu sơ về cơ bida
Cơ là cái dùng để chơi. Chỉ những bạn chưa bao giờ chơi hay xem thì mới không biết thôi nhỉ. Chúng ta có một vài thông tin về cơ như sau:
1. Cấu tạo chung của cơ bida các loại
Cơ bida gồm nhiều loại, phục vụ cho nhiều cách chơi hiện nay. Ví dụ như Bida lỗ, France (Bida phăng đó các bạn), Carom (1 băng/3 băng), Snooker… nhưng đều có cấu tạo cơ bản là 2 phần
Ngọn cơ có thể làm từ gỗ nguyên khối hoặc ghép từ nhiều miếng nhỏ. Việc ghép này hạn chế được sự thay đổi hình dạng (độ thẳng) của ngọn cơ khi tiếp xúc với nhiệt độ, độ ẩm, lực tác động…
Đuôi cơ có tác dụng cân bằng khối lượng của ngọn cơ khi sử dụng. Do đó, việc phân bố khối lượng từ ngọn đến đuôi cơ rất tỉ mỉ chứ không hề đơn giản.
Hai phần Ngọn cơ và Đuôi cơ được gắn với nhau bằng khớp, có thể là ren sắt hoặc ren gỗ.
Trên ngọn cơ còn gồm có Đầu cơ và phíp.
Đầu cơ được làm bằng da (nhân tạo hoặc tự nhiên) có thể có nhiều hay chỉ 1 lớp. Có tác dụng tạo độ bám với bề mặt bi và giảm độ sốc. Đầu cơ tốt là đầu cơ có độ bền (ít bị xẹp, dai) và bám tốt bề mặt bi. Để tăng tối đa độ bám này, ta sử dụng lơ để thoa vào phần đầu cơ.
Phíp cơ là phần giữa đầu cơ và ngọn cơ, thường bằng nhựa (hoặc thép), có tác dụng chịu lực tác động khi đầu cơ chạm vào bi, do đó bảo vệ được ngọn cơ. Phíp cơ bida libre và carom (1 hay 3 băng) giống nhau về độ dày (thường là 8-10mm) còn bida lỗ sử dụng phíp dài hơn (~13-18mm) để chịu lực tốt hơn. Ngoài ra phíp cơ còn khác nhau về đường kính (11.5 hoặc 12mm) nên các bạn lưu ý khi thay phíp cơ nhé.
Toàn bộ cây cơ (gồm đuôi cơ và ngọn cơ) nặng từ 420 – 460g đối với bida libre (bida phăng), 510 – 540g đối với bida 3 băng. Nặng hơn nữa là cơ đề pa của bida lỗ (nặng ~ lực phát mạnh). Do đó ta cần biết ta chơi thể loại gì để chọn một cây cơ với độ nặng thích hợp và vừa tay nhất.
Cơ nặng ~ lực mạnh còn cơ nhẹ giúp duy trì sức lực trong trận đấu.
Cơ bida như thế nào là đạt chuẩn để sử dụng
Đầu tiên, cơ bida cần độ thẳng từ đuôi đến ngọn. Bạn có thể test bằng cách lăn trên mặt bàn để xem cơ có bị cong hoặc vênh không.
Khớp nối giữa ngọn và đuôi chặt
Đầu cơ khít với phíp, không lồi ra hoặc lõm vào, đặc biệt không bị sứt mẻ. Đầu cơ khi nhìn ngang phải tạo thành hình vòm cung vì nhờ đó, tiết diện tiếp xúc với mặt cầu của bi sẽ nhiều nhất khi ta đánh.
Cuối cùng, bề mặt thân của ngọn cơ phải phẳng để khi thực hiện đẩy cơ của tay cầm đuôi cơ, tay cầm ngọn cơ cảm nhận được độ trơn láng.
Cách cầm cơ bida chuẩn – Tư thế đánh bida chuẩn
Tay cầm đuôi cơ gọi là Tay sau và tay còn lại cầm ngọn cơ bằng cách tạo thành Con bọ (hay còn gọi là Cầu tay). Các bạn nhớ hai khái niệm này nhé.
Dáng đứng khi đánh bida
Chân cùng phía với Tay sau đứng thẳng. Chân còn lại khụy đầu gối để hạ thấp. Tư thế này tạo sự chắc chắn nhất là khi bạn vung tay để đẩy cơ, tránh sự di chuyển của cơ thể.
Tay tạo Con bọ duỗi thẳng. Rất nhiều bạn chơi bida nhưng tay này lại co lại ở đoạn cùi chỏ. Điều này dẫn đến tay không chắc và làm sai hướng bi.
Con bọ có 2 dạng: Bọ mở và Bọ đóng (bọ kín).
Bọ mở: Thường sử dụng khi chơi bida lỗ để thấy chính xác hướng của ngọn cơ vào bi khi mắt nhìn từ giữa cơ phóng tầm nhìn đến đầu cơ do không bị ngón tay che như Bọ kín.
Bọ đóng: Tạo sự chắn chắn khi đẩy cơ. Thường sử dụng cho bida libre (tự do) và carom.
Con bọ phải đặt sát lên mặt bàn nhằm tạo sự cố định.
Khoảng cách từ Con bọ đến bi chủ tùy vào thói quen. Khoảng cách xa hỗ trợ các cú đánh có lực lớn, ngược lại khoảng cách càng gần, độ chính xác vị trí đặt ép phê lên bi sẽ được giảm thiểu khi phát lực.
Tay sau cố định phần bắp tay, chỉ di chuyển phần cánh tay từ cùi chỏ xuống bàn tay khi thực hiện đẩy cơ. Điều này giúp các bạn đẩy cơ thẳng và ổn định nhé.
Tất cả các cú đánh yêu cầu tay sau đẩy cơ sao cho đầu cơ đi xuyên qua trái bi. Nguyên tắc đầu cơ đi càng dài (đẩy dài tay) thì bi mới nhận trọn vẹn lực và ép phê (cả ép phê trái phải và cu-lé, retro). Chỉ ngoại trừ 1 trường hợp là bi carde quá gần bi chủ, khi đó buộc phải dừng lại sớm hơn để tránh bị lùa bi (đúp bi).
Tương tự vị trí Con bọ, Tay sau các bạn cầm càng xa (trong một mức giới hạn) thì lực sẽ phát ra càng lớn và quãng đường đẩy cơ sẽ dài hơn. Các bạn để ý khi cơ thủ đánh thế Ken (American) thì có thể tay sau cầm cơ gần đoạn khớp nối để giảm tối thiểu lực đánh. Còn các cú đánh trong bida carom 3 băng thì tay sau xa hơn nhiều.
Đầu/mắt nằm thẳng với cơ, vuông góc với mặt bàn khi nhìn từ trên xuống để bạn thấy được hướng cơ. Để có cảm nhận tốt nhất thì cằm càng thấp sẽ giúp ta nhìn được hướng đánh, mặt bi chủ/bi carde. Nhất là trong môn bida lỗ và snooker thì ta hay thấy cằm của cơ thủ chạm luôn vào ngọn cơ.
Khi cầm cơ, từ đuôi cơ đến ngọn cơ nằm song song với mặt bàn hoặc đuôi cơ cao hơn ngọn một chút từ tất cả các cú đánh như Cu-lé, retró… (ngoại trừ massé/piqué) nhé.
Bài tập sử dụng cơ
Đặt một chai nước nằm ngang trên mặt bàn. Sau đó vào tư thế và nhấp cơ sao cho đầu cơ lọt vào miệng chai.
Tăng dần khoảng cách từ con bọ đến miệng chai.
Yêu cầu: Cơ đẩy thẳng – nghĩa là đầu cơ di chuyển theo đường thẳng khi tay sau đẩy cơ.
Bảo quản cơ bida
Luôn để cơ đứng trong tủ hoặc trên kệ.
Tránh các nguồn nhiệt, độ ẩm để tránh làm cơ biến dạng. Cơ dể bị cong do 2 nguyên nhân này, nên ta cần sử dụng bao cơ để bảo quản tốt hơn.
Lau sạch cơ sau khi chơi. Tránh dùng khăn ướt vì nó tạo độ ẩm nhé. Có thể sử dụng thêm các loại Kem/sáp dưỡng cơ/Bột tẩy cơ…
Sử dụng giấy nhám mịn (loại giấy nhám có chỉ số nhám >1000) để tạo độ phẳng láng của ngọn cơ, nơi con bọ tiếp xúc.
Không gõ cơ xuống bàn hay xuống đất. Không dùng giấy nhám chà lên đầu cơ. Sai lầm khá phổ biến.