Với những người mê bộ môn billiards, ít ai là không biết đến Đỗ Thế Kiên hay còn gọi là Kiên “Pháp”, Kiên “máy khâu”, người vừa dành được cú đúp Huy chương Bạc nội dung pool 9 bi và 10 bi tại SEA Games 30 trên đất Philippine.
Thành danh nơi đất khách
Tại Việt Nam, bộ môn billards xuất hiện từ rất sớm. Thời kỳ Pháp thuộc đã xuất hiện các bàn billiard France (3 bi) trong các CLB dành cho sĩ quan Pháp để các tầng lớp thượng lưu giải trí.
Trước giai đoạn 1986-1987, ở Việt Nam, phong trào billiard tồn tại mang tính tự phát, chủ yếu nhằm phục vụ mục đích giải trí. Ở phía Bắc phổ biến chơi billiard lỗ (POOL). Ở phía Nam thì phổ biến loại hình billiard băng (CAROOM). Khi cuộc sống khấm khá dần lên, các bàn billard xuất hiện nhiều hơn và dần dần trở thành môn giải trí phổ biến cho các thanh niên.
Cuối năm 1996, ông Hoàng Vĩnh Giang, khi đó là Giám đốc Sở Thể dục – Thể thao Hà Nội đi công tác ở nước ngoài mang tài liệu về Việt Nam với ý tưởng đưa trò chơi này phát triển thành một môn thể thao và đã được tổ chức thi đấu từ lâu trên thế giới. Môn chơi này đòi hỏi không nhiều về thể hình, thể lực rất phù hợp với tố chất con người Việt Nam. Người được giao trọng trách này là ông Đoàn Đức Đính, chủ một CLB tập hợp rất nhiều cơ thủ giỏi của Hà Nội.
Ông Đính là con trai của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn và cũng là một nghệ sĩ chơi guitar Hawaii lừng danh. Năm 1997, HLV Đoàn Đức Đính đã cùng đội tuyển billiards-snooker Việt Nam lần đầu góp mặt ở sân chơi SEA Games 19 tại Indonesia. Ngay lần xuất ngoại đầu tiên ấy, cơ thủ Lý Thế Vinh đã mang Huy chương Vàng đầu tiên về cho đoàn thể thao Việt Nam.
Đỗ Thế Kiên sinh năm 1981, bắt đầu tình yêu billards trong một môi trường như thế. Thanh niên thế hệ của anh coi billards là một thú vui giải trí ngoài giờ học. Nhưng sự non trẻ của bộ môn thể thao này cùng với môi trường xã hội phức tạp ở các quán billards khiến nhiều cơ thủ có năng khiếu chỉ có thể dừng ở mức chơi vì đam mê. Trong mắt các bậc phụ huynh, việc chơi billards lúc đó thậm chí còn bị đánh giá là một thú chơi “có hại” vì tốn thời gian và rất dễ “hư người” do nạn đánh độ lúc đó từng khiến nhiều người chơi nghiệp dư tán gia bại sản.
Đỗ Thế Kiên sớm thể hiện năng khiếu đặc biệt trong môn billards, nhưng vì rất nhiều lý do khách quan, Kiên không thể bắt đầu con đường lên chuyên nghiệp từ sớm.
Đầu những năm 2000, Kiên sang Pháp du học (lý do cho cái tên Kiên “Pháp”). Anh có một chị gái ở Paris, người giới thiệu cho Kiên với một nhóm sinh viên người Việt cũng yêu thích billards. Tìm được những người cùng đam mê, Kiên như “cá gặp nước”. Ngoài giờ học và đi làm thêm, Kiên dành toàn bộ thời gian bên bàn billards.
Nhóm sinh viên tại Paris có những tay cơ nghiệp dư rất khá, nhưng Đỗ Thế Kiên nhanh chóng nổi lên như một tài năng đặc biệt có đẳng cấp vượt trội. Những màn trình diễn của Kiên “Pháp” từ thời đó đã làm cho người xem phải trầm trồ, dù theo lời kể của một người trong nhóm sinh viên thường chơi billiard với Kiên, khi mới đến Paris anh thậm chí còn chưa có một cây cơ riêng, thứ được xem là “bảo kiếm” của các cơ thủ.
Lựa chọn của định mệnh
Tài năng của Đỗ Thế Kiên nhanh chóng giúp anh nổi tiếng trong giới cơ thủ ở Paris. Những người bạn Pháp nhận ra rằng với khả năng của Kiên, việc anh tiếp tục chơi billard kiểu nghiệp dư là quá phí. Họ thúc giục anh đăng ký các giải do các CLB tổ chức. Kiên “Pháp” bắt đầu “xách cơ lên và đi”.
Vô địch một số giải đấu CLB rồi đến cả thành phố, Kiên “Pháp” vững tin hơn trong quyết định trở thành một tay cơ chuyên nghiệp, gắn cuộc đời còn lại với cây cơ cùng những trái bóng.
Năm 2004, Đỗ Thế Kiên chính thức trở thành một cơ thủ chuyên nghiệp. Ở tuổi của Kiên “Pháp” khi đó được xem là muộn để bắt đầu sự nghiệp. Trong môn Pool ở Việt Nam lúc đó, những cái tên như Nguyễn Thành Nam, Lương Chí Dũng, Nguyễn Phúc Long… đã nổi tiếng từ lâu.
Năm 2006, Lương Chí Dũng, tay cơ kém Đỗ Thế Kiên 4 tuổi, tạo ra tiếng vang lớn khi đi thẳng một mạch đến vòng tứ kết World Pool Championship (giải vô địch thế giới pool 9 bi). Trên hành trình của mình, Dũng “baby” thậm chí còn đánh bại cả Ronnie Alcano của Philippines ở vòng bảng, người sau đó lên ngôi vô địch.
Cũng trong năm 2006, bộ đôi Lương Chí Dũng và Nguyễn Thành Nam lọt vào bán kết World Cup of Pool (giải đấu đôi của các đội tuyển quốc gia) và giành tấm Huy chương Đồng. Môn Pool bắt đầu được chú ý nhiều hơn bên cạnh các thế mạnh của billiards Việt Nam trong nội dung Caroom.
Đó là thời điểm mà Đỗ Thế Kiên chưa thể bật hẳn lên trong một dàn cơ thủ sừng sỏ của Hà Nội và miền Bắc như Thành Nam, Chí Dũng, Phúc Long, Hoàng Quân, Quang Trung… Anh nhớ lại: “Thời điểm mới lên chuyên nghiệp, tôi chưa có điều kiện để sở hữu một cây cơ ưng ý nhất. Lúc nào cũng chỉ mong có đủ tiền để sắm được môt cây cơ tốt. Với một cơ thủ, cây cơ tốt còn hơn cả một người bạn, cơ thủ và cây cơ phải hòa quyện được với nhau”.
Qua được thời điểm khó khăn ban đầu, Đỗ Thế Kiên vẫn kiên trì trên con đường mình đã chọn. Sự lạnh lùng, điềm đạm và chính xác được anh thể hiện trên bàn thi đấu nhanh chóng định danh Kiên “Pháp” trong lòng người hâm mộ bộ môn pool.
Đến năm 2010, Đỗ Thế Kiên lần đầu đăng quang ở giải vô địch quốc gia. Trong năm đó, anh cũng giành tấm Huy chương Vàng tại Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc. Kiên “Pháp” nhanh chóng vươn lên tốp những cơ thủ hàng đầu Việt Nam, luôn đạt thứ hạng rất cao trong các cuộc thi đấu.
Trong lúc các tay cơ khác cùng thời có độ chững nhất định, sự bền bỉ của Kiên “Pháp” là điều giúp anh trở nên đặc biệt. Ở thời điểm 3 năm trở lại đây, dân mê pool rỉ tai nhau rằng cơ hội vô địch của Kiên “Pháp” khi tham gia các giải CLB lên tới 70- 80% bởi sự ổn định trong các đường cơ của anh luôn ở mức rất cao. Tất nhiên Đỗ Thế Kiên cũng luôn thể hiện bản thân rất tốt ở các giải đấu chính quy. Năm 2019, anh tiếp tục là nhà vô địch quốc gia ở nội dung pool 9 bi.
Chia sẻ về sự khác nhau ở các giải CLB và giải vô địch quốc gia, Kiên “Pháp” thẳng thắn: “Đã là vận động viên chuyên nghiệp thì sự nghiệp của tôi là luyện tập và thi đấu. Sự khác nhau chỉ là môi trường. Giải vô địch quốc gia tổ chức trong những nhà thi đấu nghiêm túc hơn, nhưng đó chỉ là bề ngoài, còn tính chất căng thẳng thì đâu cũng như vậy. Việc của tôi chỉ là tập trung thi đấu và chiến thắng”.
Ở tuổi 38, Đỗ Thế Kiên hầu như không có đối thủ xứng tầm ở Việt Nam, ngoại trừ Dương Quốc Hoàng. Đích đến của Kiên “Pháp” sẽ là những giải đấu quốc tế, nơi anh sẽ có những màn trình diễn đỉnh cao để khẳng định trình độ môn Pool ở Việt Nam.